Thursday, January 15, 2015

Truyện ngắn: NGƯỜI NỮ TÙ SÀN CÁT GIỮA MÙA XUÂN ĐEN (Tâm tư hải ngoại,)



Trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết trong những ngày đầu mùa Xuân 1975 thê lương, tang tóc; mầu nắng dường như vàng úa, bệnh hoạn giăng giăng khắp nước… Khi mặt trời mọc lên, ngày không còn là “một ngày như mọi ngày”, nó có cái gì thảng thốt, bàng hoàng, âu lo trên những gương mặt học trò, cái thay đổi đột ngột, ngỡ ngàng, cùng lúc lại thấy xuất hiện những mầu đen trên các tấm áo học trò, cả đến các cô giáo trẻ. Những tà áo dài trắng không còn bay trong gió sớm trước sân trường. Giép râu và mầu đen của những chiếc áo bà ba đồng loạt “hồ hởi phấn khởi lên ngôi” dưới bóng cờ đỏ. Cột cờ giữa sân trường ép mình trong hàng cây xanh, lạnh lùng khi mầu cờ bị “thay bậc đổi ngôi.”
Cũng tà áo dài trắng dịu dàng Bình vẫn mặc đến trường hàng ngày như trước đây, song hôm nay nó lại có vẻ khác thường; nó trở nên đài các, nó trở nên tuyệt vời; nó có vẻ vừa dễ thương, vừa thách thức giữa rừng áo bà ba đen trong trường. Các cậu con trai cùng lớp, khác lớp, nhìn cô thích thú, nhưng các thầy cô đến từ miền Bắc của chế độ mới lại nhìn cô với đôi mắt bực mình, khó chịu. Bình, cô nữ sinh Phan Bội Châu, bỗng xuất hiện như một nàng tiên ngủ quên trong cuộc đổi đời oan nghiệt, và bỗng giật mình thức dậy giữa rừng người trần tục, nhỏ nhen như những người xa lạ từ một quê hương nào đó mà cô chưa từng sống. Cô bước vào lớp với tà áo trắng thướt tha trong nắng sớm.
Điều mà Bình nhận thấy nhưng phớt tỉnh là hôm nay, thày cô cũ của trường đã bắt đầu theo mốt bộ đội Trường Sơn của những thầy cô Miền Bắc mới đổi vào Nam và nắm quyền điều khiển nhà trường trường. Guốc gỗ, giép râu thay giầy cao gót, áo bà ba đen đã thay thế những tà áo dài, và vài cô còn có chiếc mũ tai bèo đội trên đầu như mấy cô du kích mới về thành từ rừng núi. Những chiếc nón lá bài thơ cũng sợ “cách mạng” nên từ từ biến mất. Các thầy miền Nam cũng âm thầm cho các chiếc cà vạt, bộ áo vest chui vào tủ áo cho hợp trào lưu, cho khỏi bị nhà nước mới nghi ngờ lòng thủy chung với “cách mạng” để giữ thân, giữ việc làm nuôi sống gia đình với một tương lai đen trước mặt: “tôi đi không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ” . . . ( Trần Dần)
Riêng đám học sinh thì việc thay đổi áo quần khi đến trường hàng ngày lại vô cùng chậm. Dường như chúng có một cái gì khinh miệt, đề kháng trước những hình thức xuống cấp của những thầy cô sau ngày miền Nam sụp đổ. Đứa bạn trai của Bình đến gần, nói nhỏ:
- Cách mạng vào đáng lẽ đời phải lên hương, nhưng sao lại cái gì cũng có vẻ xuống dốc và xuống cấp, kể cả việc ăn mặc. Bình tiếp tục mặc áo dài thì thầy hiệu trưởng mới sẽ để ý nhưng bọn tôi lại thích thú ! Kệ mẹ nó! Bình là biểu tượng anh hùng của trường đó. Không mặc áo bà ba đen xem họ có đuổi Bình hay không!
- Anh cẩn thận, đừng nói lớn ? Bình mặc áo bà ba đi học không quen, Bình mặc áo dài đi học từ hồi Đệ Thất, thay đổi khó lắm!
- Mà Bình có biết chiếc áo dài trắng Bình còn đang mặc lúc này là hình bóng nổi bật, ngạo nghễ và dễ thương nhất trong sân trường lúc này hay không?
- Bình đâu biết! Tại thinh không cả trường lột xác đổi màu, chừa lại một mình Bình. Bình thích mặc áo dài là Bình cứ mặc áo dài, chừng nào trường ra lệnh cấm mặc áo dài thì Bình tính sau. Lúc đó, có thể Bình mượn áo bà ba của má để mặc đi học nếu không còn quyền tự do mặc áo dài trong trường !
- Vậy là Bình số một, nhất trường!
Gần hai tuần sau, khi tà áo dài trắng nữ sinh của Bình còn ẩn hiện trong sân trường, làm xốn mắt thầy “đồng chí ” hiệu trưởng, Bình bị gọi lên văn phòng.
- Thưa thầy ạ !
- Cô ngồi xuống! Cô có biết nay cả nước đang đổi thay theo cách mạng, đã bắt đầu thực hiện nếp sống mới, tiến bộ, nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa. Tất cả thầy cô và bè bạn cô đều ý thức được điều đó, tại sao chỉ một mình cô là còn mặc chiếc áo dài tiểu tư sản phi lao động, phi sản xuất thời “Ngụy” như thế này?
- Thưa thầy? Em mặc áo dài từ hồi lớp Đệ Thất. Em vẫn chăm học, em vẫn là một học sinh tốt, em thấy không có gì sai khi mặc áo dài đến trường!
- Vậy thì cô không muốn hòa mình với cách mạng? Bố cô là ngụy quân hay ngụy quyền? Trường sẽ xem xét trường hợp của cô. Tùy cô! Cho cô trở về lớp!
Trở về lớp, bạn bè Bình lo cho Bình ra mặt. Tan trường, Bình ra về, nét tiểu thư, nhí nhảnh, dễ thương của Bình biến mất, dường như nó nổi sóng trong đôi mắt đen láy của Bình. Bình không còn nụ cười hồn nhiên như mọi hôm. Ngôi trường thân yêu ngày nào chợt trở nên u ám, lạnh nhạt, từ gốc tre trồng từ thời Thầy Hiệu trưởng Lê Tá, từ gốc cây bóng mát trong sân trường, từ trụ cờ phất phơ mầu cờ đỏ, cho đến cả cổng trường đầy kỷ niệm mà Bình thường chùm nhum chụp hình cùng bạn bè mỗi khi mùa Hè đến. Phố phường cũng mang dáng lạ trong mắt Bình.
Tà áo trắng vẫn lượn vô tình theo chân Bình trên đường về nhà , song lòng cô ngổn ngang trăm mối. Ông hiệu trường gốc Bắc đã hỏi đến lý lịch ông già, và nếu chỉ vì một tà áo dài của Bình mà ông bị nhà nước, công an dòm ngó, việc học của Bình dang dở thì Bình sẽ đau khổ vô cùng.
Chúa Nhật, Bình ở nhà, bài vở xong, Bình giặt ủi mấy bộ áo dài, xếp cẩn thận và đặt sâu vào trong hốc tủ như cất dấu cả một trời thơ ấu vừa vỡ vụn đột ngột, không ngờ.. Bình bỗng bật khóc, hai hàng nước mắt lăn tròn lên má , lớp này khô, lớp khác ứa tuôn. Không biết Bình khóc cho những kỷ niệm thơ ấu ẩn kín, tàn lưu trong những vạt áo bay khi đến trường mỗi buổi sáng, hay Bình khóc vì uất ức ông hiệu trường soi mói hồ sơ, lý lịch Bình, uất ức với những thứ đổi đời ngang ngược, trắng đen trong đời sống, trong lớp học, trong sân trường . . . Bình hối tiếc . . . “Phải chi kỳ di tản ở Sài gòn em vô được với anh Ba, em lên tàu anh, đi luôn qua Mỹ với anh thì ngày nay em đâu bị cảnh oan trái như thế này!”.
… Bình thức tới nửa đêm, ngồi viết cho người anh ruột ở Mỹ mấy dòng thư tâm sự:
Phan Thiết ngày 20 tháng 02 năm 1979
Kính gửi anh Ba thương nhớ!
Anh Ba ơi! Anh là một người may mắn, vì anh đã thoát khỏi Việt Nam. Ba má và em là những người bất hạnh, vì là người ở lại đất nước này. Em đã ân hận, tiếc nuối vì khi chạy được vào Sài Gòn thì anh đã theo tàu hải quân rời bến Bạch Đằng ra biển. Cả gia đình bị kẹt dọc đường vì những trận đánh ở Long Khánh. Ba má buồn và nhớ anh. Không biết cuộc sống anh bên đó ra sao, nhưng dù sao thì anh cũng được tự do, ra đường không bị công an áo vàng soi mói từ đầu hẽm đến góc xóm. Thấy mặt bọn này là ghét, là bực, là sợ. Tiếp tục sống như thế này chắc có ngày em chết mất.
Cách đây mấy hôm, em bị khó khăn trong trường vì em tiếp tục mặc áo dài trắng đi học, họ muốn thầy, cô, học trò phải hòa mình theo “cách mạng”, nghĩa là phải mặc áo bà ba đen, mang giép, dẹp áo dài. Ông hiệu trưởng mới kết tội em là mặc áo quần kiểu tư sản, và còn đề cập đến lý lịch của em. . . Ông ta còn hỏi em Ba là “ngụy quân” hay “ngụy quyền”. Chi vậy. Bộ chỉ vì cái áo dài của em mà Ba bị công an để ý hay sao? Chế độ gì mà bần tiện một cách phi lý như vậy? Chắc em không sống nổi trong cái không khí như vậy anh Ba ơi!
Ba má giờ khổ lắm! Ba phải lên Bình Tú trồng khoai lang, Má bán lặt vặt trên cái sạp ngoài chợ Phường để kiếm sống qua ngày. Nếu không có ít quà anh gởi về phụ gia đình, có lẽ em đã bỏ học. Mà cái kiểu em phải mượn áo bà ba của Má để đến lớp thì em tức không chịu được. Tương lai của Ba Má và của chính em sẽ vô cùng đen tối trong những ngày sắp tới. Em thương Ba nên tuần sau em sẽ đến trường trong cái áo bà ba đen vá lưng của má . Em không thèm may áo mới.
Em gởi lời thăm sức khỏe anh Ba. Nếu anh thong thả, tháng sau gởi về cho nhà chút đỉnh quà. Chúc anh Ba khỏe mạnh.
Em.
Nguyễn Thị Giáng Bình
Bức thư Bình gửi từ Bưu Điện Phan Thiết, thư chạy vô Sài Gòn, từ Sài Gòn bò ra Hà Nội để nhà nước kiểm soát trước khi gởi đi ra nước ngoài. Từ Hà Nội, hệ thống kiểm duyệt của chế độ đã đọc được những lời Bình viết trong thư. Thư được chuyển ngược về Nam để điều tra ai là người viết, vì địa chỉ và tên người viết Bình cẩn thận không ghi thật trên phong thư, nhưng nhà nước cộng sản biết tác giả lá thư là một cô học trò của trường trung học Phan Bội Châu. Căn cứ vào thủ bút và tên họ, công an đã phăng ra Bình, và chộp Bình ngay trong lớp học. Cô bé bị còng áp tải ra khỏi lớp trước những đôi mắt ngạc nhiên, kinh hoàng của cô giáo, bè bạn. Đôi mắt đen láy trên gương mặt dễ thương của Bình nhìn lại lớp và bè bạn lần cuối, lặng lẽ theo toán công an. Cả lớp kinh ngạc, bàng hoàng, thương xót khi Bình rời lớp . .
Trước khi bước lên xe, tên công an chìa thư Bình và hỏi:
- Thư này của cô?
- Thưa đúng! Chính tôi là Giáng Bình! Chính tôi đã viết lá thư đó cho anh tôi ở Mỹ . Tôi viết sự thật những gì tôi cho là sự thật! Đúng! Đó là cái thư riêng của tôi! Sự thất vọng và đau đớn duy nhất của tôi bây giờ là thư tôi đã bị mấy ông kiểm duyệt và nó không đến được tay anh tôi!
o O o
Thành phố Phan Thiết có một trại tù rất chật hẹp, trên giấy tờ, nhà nước gọi là “Trại tạm giam thuộc công an thị”, tức trại thuộc quyền quản trị của công an thị xã, nằm cạnh bệnh viện Phan Thiết trên đường nối liên tỉnh lộ 8 lên Ma Lâm, Thiện Giáo. Trại đó, bà con quen gọi là “trại thẩm vấn Phan Thiết” mà trước 1975, chính quyền VNCH dùng giam và thẩm vấn tù, hàng binh cộng sản. Sau 1975, trại đó trở thành một trong những trại giam tàn độc nhất ở miền Nam giam giữ những tù nhân chống, chê hay trốn chạy cộng sản. Bất cứ ai từ Sài Gòn muốn ra Phan Thiết vượt biên, khi nghe nhắc đến “Trại Thẩm Vấn” đều thấy xương sống như có một luồng điện chạy ! Bị kết tội “bôi bác và nói xấu cách mạng“, Bình bị tống giam vào cái trại “địa ngục trần gian” này.
Sau 7 tháng biệt giam, một buổi sáng, tôi được cho ra khỏi phòng ngang người đông nghẹt, hôm sau được cử theo toán lao động để lên Hầm Đá lấy cát về xây thêm phòng giam. Thân thể gầy còm, da trắng nhạt như tờ giấy, nhưng các cơ thịt tong teo còn lại cũng còn đủ sức giúp tôi trèo lên chiếc GMC cùng các bạn tù . Chúng tôi bị dồn về phần trước của thùng xe, phía sau là hai công an tay cầm AK, đạn nằm sẵn trong nòng súng hồi nào không biết, mũi súng chĩa tầm ngang vào đám tù để sẵn sàng nổ súng khi có chuyện bất trắc Một tên công an cảnh cáo:
- Chúng tôi báo trước! Được cách mạng cho đi lao động là may mắn lắm đấy ! Từ đây đến chỗ lấy cát, các anh phải tôn trọng kỷ luật, không được có những hành động linh tinh, anh nào trốn bỏ chạy khi lao động là chúng tôi bắn bỏ tại chỗ đấy! Các anh nghe rõ không?
Bọn tù chúng tôi nghe rõ, và hiểu là tên công an không dọa suông, mạng sống người tù như con vật trong tay cộng sản, thì việc bị bắn khi bỏ chạy là điều chắc chắn. Không thằng nào ngu mà chạy khi thân mình ốm như con ma đói, cẳng chân tong teo, nhất là chạy giữa đồng trống, chạy chỉ một nửa đám ruộng là vọp bẻ trong tầm bắn, làm mồi cho mấy viên đạn đồng AK! Cái mà bọn tù sợ gần như xanh mặt là hai họng súng AK chĩa vào đám tù lúc nhúc, lắc qua lắc lại mỗi khi xe qua mấy cái ổ gà, ổ voi trên đường.
Khi hai cái đầu ruồi AK chuyển qua lại tầm ngang hông tù bọn tù cứ chăm chăm vào hai ngón tay hai tên công an móc tròn tên cò súng; nó mà cướp cò, dù là tai nạn ngoài ý muốn, tràng đạn AK cũng cho ít nhất là vài tên tù theo ông bà . . . Rồi ai làm gì ai? Cha mẹ , gia đình chỉ có nước đem con về chôn !
Tù được được chở đi lấy cát trên những dòng suối cạn phía trên Hầm Đá, gần Ma Lâm, đến chiều, xe chở tù và cát về trại. Những đống cát trước sân trại lớn dần theo số lượng người vượt biển bị bắt ngày càng nhiều. Nghe đồn Thuận Hải hai năm liền đoạt cờ luân lưu của chủ tịch Tôn Đức Thắng về thành tích bắt và tù đày những người bỏ nước ra đi không thoát vào những năm 1976, 1977. Niềm tự hào đen của những người cộng sản cứ từ đó nẩy nở, lớn dần trên nỗi khốn cùng, tuyệt vọng của muôn dân.
Hôm sau bị điều ra bửa củi trước sân trại, tôi thấy Bình và hai bà già ngồi sàn cát gần đống củi. Sau những tháng tù đày Bình vẫn dễ thương, tiểu thơ, lộng lẫy dưới nắng hồng. Vẻ hồn nhiên, chịu đựng những bất hạnh trước cuộc đời của Bình, đối với tôi, dường như nó có ý nghĩa của một cái gì như thách thức và khinh bỉ chế độ.
Nắng đã nghiêng sang một góc, bóng cây chuối che được một mảng trời nho nhỏ gần nơi những người nữ tù sàn cát. Tôi bửa đống củi gần xong, nghỉ tay ngồi xuống bóng mát. Nhân lúc đám cán bộ và công an ngồi vào bàn ăn trưa, không chú ý đến đám tù, tôi hỏi Bình:
- Nhà có bỏ bao cho Bình vào dịp Tết rồi không?
- Dạ có ! Cô Lương và bé Nguyên ở cùng phòng em! Tội nghiệp thằng bé mới có 3 tháng, nó vào tù, nó biết gì! !
Tôi không trả lời Bình, song lại hỏi em:
- Em biết họ bắt em sàn cát để làm gì không?
Giọng Bình buồn buồn:
- Em biết chớ ! Bộ anh không thấy họ đúc gạch xây thêm phòng giam sao? Em nghe nói có mấy anh học sinh Phan Bội Châu vừa bị bắt vì rãi truyền đơn, không chừng cát em sàn sẽ dùng xây phòng giam các bạn em!
- Định mệnh oan nghiệt phủ lên cả nước, đâu chỉ đổ lên đầu em và gia đình anh! Chúng ta cùng đường, mọi người cùng đường, cả nước cùng đường. Cắn răng mà chịu thôi!
Hai tay Bình vẫn tiếp tục sàn cát, nói nhỏ cho tôi đủ nghe:
- Anh vừa cải tạo về , lại vô tù trở lại vì tội vượt biên, chắc lần này anh lãnh đủ !
Tôi thở dài, buông một lời tuyệt vọng ngắn ngủi:
- Định mệnh!
Và tôi hỏi tiếp:
- Trong hoàn cảnh em, em có dự liệu hay hy vọng gì không? Anh muốn nói chuyện lá thư của em?
- Em không biết! Tới đâu hay tại đó ! Phó mặc . . . Nhưng đôi lúc em muốn một trái bom nguyên tử. . . !
- Cái gì? Một trái bom nguyên tử?!
- Em muốn một trái bom nguyên từ nổ trên đầu thành phố này ! Đó là cách duy nhất để được tự do viên miễn, cho em và cho cả mọi người !
Tôi nghe giọng Bình vỡ ra từng mảnh nhỏ cùng những giọt nước mắt lăn trên má dưới nắng trưa. Trên chòi canh trước cổng trại, người công an gác trại ngủ gục trong gió xuân hiu hiu thổi . . .
Tiếng chén đũa, tiếng ghế khua trong phòng ăn tập thể của trại cho tôi đoán bữa cơm của công an trại sắp xong, tôi ngửa cổ tụm một ngụm nước, chưa kịp đứng dậy bửa những khúc củi còn lại, tên công an Mười Đầu Bò nói vọng từ giếng nước khi hắn ra giếng rửa miệng:
- Ai cho phép anh nghỉ tay liên hệ nói chuyện với mấy người sàn cát? Bàn chuyện vượt trại hả? Trốn lên trời! Trở lại làm việc đi !
Tôi bật dậy như cái lò xo, chụp búa bửa củi trở lại. Bình nghe rõ mồn một từng lời nhiếc mắng của tên công an nhắm vào tôi. Bình nhìn tôi thương xót. Tôi bỗng như nghe lại tiếng nói với tôi khi nãy của Bình: “Một trái bom nguyên tử nổ trên đầu. . .”. Cả nước bị dồn vào tuyệt lộ, đói khổ, áp bức và tuyệt vọng. Chết là giải thoát!
Tôi viết lại những dòng này giữa trời Đông bắc Mỹ. Hình ảnh Bình, người nữ tù sàn cát vẫn còn nguyên trong ký ức tôi như chỉ mới hôm qua. Không có một quả bom nguyên tử nào nổ trên trời xuân Việt Nam như mơ ước của Bình trong cơn tuyệt vọng.
Mùa xuân còn đó, vẫn đến với nước Việt Nam theo chu kỳ của trời đất, song đó vẫn chỉ là những mùa xuân đen hận khổ, ly chia và bất hạnh dưới mầu cờ đỏ . . .

No comments:

Post a Comment